1. Bệnh Glôcôm (Glaucoma) là gì?
Bệnh Glôcôm (Glaucoma) còn có các tên gọi khác như: bệnh tăng nhãn áp, thiên đầu thống, cườm nước.
Glôcôm là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh có đặc điểm chung là tổn hại thần kinh và mất thị trường. Bệnh thường xuất hiện âm thầm, gây tổn thương trên mắt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến mù lòa.
Glôcôm có thể phân loại như sau:
- Glôcôm nguyên phát
- Glôcôm góc đóng nguyên phát (thường gặp ở Việt Nam)
- Glôcôm góc đóng nguyên phát có nghẽn đồng tử
- Glôcôm góc đóng cơn cấp
- Glôcôm góc đóng bán cấp
- Glôcôm góc đóng mạn tính
- Glôcôm góc đóng nguyên phát không có nghẽn đồng tử
- Glôcôm góc đóng nguyên phát có nghẽn đồng tử
- Glôcôm góc mở nguyên phát
- Glôcôm góc đóng nguyên phát (thường gặp ở Việt Nam)
- Glôcôm thứ phát
2. Triệu chứng của bệnh Glôcôm
Với mỗi thể bệnh, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau:
3.1 Glôcôm nguyên phát
3.1.1 Glôcôm góc đóng nguyên phát
3.1.1.1 Glôcôm góc đóng nguyên phát có nghẽn đồng tử
- Glôcôm góc đóng nguyên phát cơn cấp
Bệnh xảy ra khi nhãn áp tăng cao một cách nhanh chóng do mống mắt chu biên đột ngột áp ra trước làm tắc nghẽn vùng bè.
Bệnh khởi phát đột ngột, diễn biến rầm rộ, thường xảy ra vào lúc chiều tối, sau một xúc động mạnh, bệnh nhân đột ngột đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, sợ ánh sáng, chói sáng kèm theo chảy nước mắt, bệnh nhân có thể buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, sốt…
- Glôcôm góc đóng nguyên phát bán cấp
Glôcôm góc đóng bán cấp là những đợt tăng nhãn áp (ở mức vừa phải) do đóng góc được biểu hiện bằng những đợt giảm thị lực, nhìn đèn có quầng, đau nhức nhẹ trong mắt và đầu. Bệnh biểu hiện âm thầm hầu như không có triệu chứng chủ quan rõ rệt. Không điều trị gì, các triệu chứng này cũng tự qua đi.
- Glôcôm góc đóng nguyên phát mãn tính
Bệnh biểu hiện âm thầm, hầu như không có triệu chứng chủ quan đau nhức hoặc đôi khi chỉ có cảm giác căng tức nhẹ thoảng qua trong mắt hoặc đầu.
3.1.1.2 Glôcôm góc đóng nguyên phát không có nghẽn đồng tử
Bệnh nhân hầu như không có các triệu chứng chủ quan đau nhức. Người bệnh thường đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn với những tổn thương nặng trên đĩa thị và tổn hại về thị trường.

3.1.2 Glôcôm góc mở nguyên phát
Các triệu chứng thường biểu hiện rất kín đáo, trừ trường hợp có tổn thương nặng trên thị trường. Vì vậy người bệnh khó tự phát hiện đươc bệnh ở giai đoạn sớm. Nhiều người bệnh chỉ phát hiện được trong những hoàn cảnh tình cờ.
Đa số người bệnh chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, khi lo lắng nhiều.
Có những người bệnh nhìn như có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng.
3.2 Glôcôm thứ phát: xuất hiện sau những rối loạn tại mắt và toàn thân, như glocom do chấn thương, do viêm màng bồ đào, do bệnh lý của thể thuỷ tinh,…
3. Nguyên nhân gây bệnh Glôcôm
- Do yếu tố di truyền trong gia đình
- Do tuổi tác cao – nguy cơ bị bệnh glaucoma tăng lên khi trên 50 tuổi.
- Do có tiền sử các bệnh lý về mắt như: biến chứng tiểu đường, viêm nhiễm về mắt như viêm màng bồ đào,…
- Do các chấn thương mắt
- Do tác dụng phụ của việc thường xuyên dùng các thuốc corticosteroids
- Biến chứng sau phẫu thuật mắt
- Sắc tộc – Người Đông Nam Á và Người Da Đen ở vùng Caribe dễ mắc các dạng bệnh glaucoma nhiều hơn người thuộc chủng tộc người da trắng.